02866838558

Hiệp hội Nhựa TP.HCM kiến nghị Bộ Công thương các giải pháp khẩn cấp để hỗ trợ hội viên

Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Ảnh minh họa

Sáng ngày 7/8, Hiệp hội Nhựa TP.HCM đã tham dự buổi họp trực tuyến với Bộ Công thương, Sở Công thương TP.HCM về việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Các thành viên của Hiệp hội Nhựa TP.HCM tham dự buổi họp có ông Chung Tấn Cường, Chủ tịch, ông Trần Quý Thanh, Phó chủ tịch và các thường vụ, doanh nghiệp hội viên.

Tại buổi họp, Hiệp hội Nhựa TP.HCM đã kiến nghị một số giải pháp khẩn cấp để hỗ trợ doanh nghiệp hội viên.

Ông Chung Tấn Cường cho biết, vấn đề đầu tiên cần Bộ Công thương giải quyết ngay là việc nhập khẩu nguyên vật liệu. Trước đây, doanh nghiệp khai hải quan nhận nguyên vật liệu ra rồi mới đóng thuế, thời gian gần đây quy trình này đổi ngược lại: đóng thuế xong mới được nhận hàng. Việc này hiện nay đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, bởi nhiều vấn đề: thứ nhất là doanh nghiệp đang rất khó khăn về vốn, lại phải trích một lượng lớn tiền ra trước rồi mới được nhận hàng, thứ hai là về làm các thủ tục chuyển tiền, hiện nay tất cả nhân sự đều ở nhà thực hiện giãn cách, muốn chuyển tiền phải tập hợp lại, đóng dấu, ra ngân hàng… mất khá nhiều thời gian. Vì vậy, ông Cường đề nghị cho phép doanh nghiệp được nhận hàng trước, đóng thuế sau, và việc đóng thuế cần giãn thời gian để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Sau khi nghe ông Chung Tấn Cường trình bày, Bộ Công thương đã thống nhất vấn đề này và đề nghị Hiệp hội Nhựa TP.HCM làm gấp văn bản kiến nghị, để Bộ Công thương đề xuất giải quyết.

Ông Trần Văn Mười Hai, Thường vụ Hiệp hội Nhựa TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty nhựa Duy Tân cho biết, bình thường công ty có khoảng gần 4000 công nhân, tuy nhiên do phải thực hiện “3 tại chỗ”, chỉ còn 30 – 40 % công nhân làm việc, năng suất giảm rất nhiều. Công ty có 3 nhà máy lớn ở 3 địa phương,  trong đó có 1 tại TP.HCM.

Công ty đang thực hiện “3 tại chỗ”, tuy nhiên vì số lượng công nhân quá lớn nên không thể một lúc tổ chức chỗ ăn, ở cho toàn bộ. Ban Giám đốc công ty chủ trương làm từng bước, ban đầu chuẩn bị chỗ cho một số trước, sau đó đợt hai, đợt ba cho tiếp công nhân vào sau khi đã chuẩn bị xong. Nhà máy tại TP.HCM được chính quyền cho phép tiếp tục nhận công nhân vào làm việc theo yêu cầu “3 tại chỗ” sau đợt 1, tuy nhiên, tại các tỉnh lại không cho tiếp nhận tiếp công nhân từ bên ngoài vào sau đợt 1, khiến công ty “không kịp trở tay”, thiếu công nhân trầm trọng.

Ông Mười Hai đề nghị các tỉnh cũng cho phép doanh nghiệp được tiếp tục nhận công nhân vào thực hiện “3 tại chỗ”.

Tại cuộc hội, các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Nhựa còn kiến nghị một số vấn đề khác, như việc chích ngừa COVID-19 cho công nhân, việc này hiện nay đã được đưa tất cả về địa phương, tuy nhiên đối với doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”, công nhân ăn ở ngay trong nhà máy, không được ra ngoài nên mất quyền lợi được chích ngừa, khiến họ không an tâm làm việc. Doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục thực hiện chích ngừa cho công nhân tại nhà máy như trước đây, nhất là đối với doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”.

Bên cạnh đó, doanh nhựa cũng kiến nghị cho phép các hoạt động sửa chữa máy móc, cụ thể là công nhân của các doanh nghiệp sửa chữa máy móc được di chuyển qua các chốt kiểm dịch. Vì hiện nay hoạt động của các doanh nghiệp gắn với nhiều loại máy móc thiết bị, khi bị hư hỏng, không thể tự sửa chữa mà phải thuê thợ hoặc chuyên gia bên ngoài vào kiểm tra, sửa chữa.

Ông Chung Tấn Cường đề nghị thêm: “Với những doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian giãn cách, đề nghị được miễn thuế trong thời gian này”.

Sau khi nghe các kiến nghị của Hiệp hội Nhựa TP.HCM, Bộ Công thương cho biết sẽ giải quyết một cách nhanh nhất.

Translate »