02866838558

Nghiên cứu đánh giá tiềm năng tái chế chất thải nhựa tại quần đảo Cát Bà

Dọn dẹp rác thải nhựa tại đảo Long Châu (UBND TP Hải Phòng năm 2018)

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm bổ sung một số số liệu góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về công tác tái chế, quản lý rác thải nhựa tại quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng, góp phần vào hoạt động quản lý chất thải nhựa theo các kế hoạch quốc gia.

Đề tài do nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Chinh, Mai Hương Lam, Lê Thị Trinh, Phạm Thị Mai Thảo, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện.

Kết quả khảo sát thực tế tại khu vực nghiên cứu vào tháng 12/2021 đã xác định được khối lượng rác thải nhựa trung bình/ngày được các hộ thu gom phế liệu thu mua tại k hu vực nghiên cứu và thành phần rác thải nhựa được thu gom. Nghiên cứu cũng đánh giá được nhận thức của người dân trong việc phân loại rác thải nhựa phục vụ cho mục đích tái chế, quản lý. Trong thời gian tới, cùng với sự đầu tư và phát triển kinh tế, lượng khách du lịch đổ về ngày càng nhiều, lượng rác thải nhựa sẽ còn phát sinh rất lớn vì vậy, tiềm năng tái chế tại Cát Bà được đánh giá rất lớn. Đây sẽ là giải pháp cấp thiết và lâu dài nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu “Cát Bà xanh”.

Tái chế là một phương pháp thay thế cho xử lý RTN bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt để tạo các sản phẩm nguyên liệu nhựa, dầu hoặc một số sản phẩm khác. Các giải pháp, kỹ thuật này đã được thực hiện ở một số nước trên thế giới và biện pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề thu hồi RTN. Xuất phát từ những thực tế trên, thực hiện nghiên cứu đánh giá tiềm năng tái chế RTN tại quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng nhằm góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về công tác tái chế, quản lý RTN, góp phần vào hoạt động quản lý chất thải nhựa theo các kế hoạch quốc gia.

Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp điều tra xã hội học, tiến hành phỏng vấn trực tiếp 100 hộ gia đình, hộ kinh doanh, dịch vụ về khối lượng, thói quen phân loại, thu gom, thải loại RTN bằng bảng hỏi. Hoạt động lấy mẫu ngẫu nhiên để xác định khối lượng rác thải nhựa được thu gom, thành phần RTN tại khu vực nghiên cứu được tiến hành 2 đợt tại 5 hộ thu mua phế liệu. Phương pháp SWOT được sử dụng để đánh giá tiềm năng tái chế RTN tại quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng

Kết quả nghiên cứu cho thấy, thói quen sử dụng, thải loại đồ nhựa và phân loại RTN tại cộng đồng dân cư tại quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng: Qua việc khảo sát 100 hộ dân trên quần đảo phần nào có thể thấy được nhận thức và quan điểm về RTN của người dân nơi đây. Đánh giá của người dân về việc phát sinh RTN trên thị trấn là thường xuyên chiếm 66% đối với hộ gia đình tự do, 46% với hộ kinh doanh và 10% đối với hộ cán bộ nhân viên trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Đối với mức độ sử dụng các đồ dùng nhựa, 100% người dân có sử dụng đồ nhựa dùng một lần hàng ngày, trong đó túi nilon chiếm tỷ lệ cao nhất (63,33%). Trung bình mỗi hộ dân sử dụng 2-4 túi nilon/ngày, số lượng chai nhựa được sử dụng thường từ 1-2 chai chiếm 39%, thùng xốp thường là các hộ kinh doanh sử dụng chiếm 18,25%. Ngoài ra, với đặc điểm là quần đảo du lịch nên việc phát sinh RTN là túi nilon và chai nhựa là điều phổ biến tại đây vì tính tiện lợi cũng như nhu cầu của du khách. Đối với các loại đồ dùng này ít được tái sử dụng mà thường chuyển thành RTN cần được xử lý, như vậy đây chính là nguồn nguyên liệu cần được tái chế để giảm lượng RTN đốt vả chôn lấp

Khi được hỏi về việc tái sử dụng thì chỉ có 30% người dân có thói quen tái sử dụng đồ nhựa dùng một lần và người dân thường phân loại RTN thành hai loại, một loại để tái sử dụng, loại còn lại để bán cho cơ sở thu mua phế liệu. Qua kết quả này, nghiên cứu nhận thấy đa số người dân vẫn chưa tạo được thói quen tái chế, tái sử dụng RTN. Lý giải cho vấn đề này là do người dân chưa được tiếp cận với các hướng dẫn tái chế hoăc chưa thấy được lợi ích từ việc tái chế RTN.

Hiện trạng tái chế RTN tại quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng: Hiện nay, trên toàn bộ thị trấn Cát Bà việc tái chế RTN sau khi thu gom vẫn chưa được thực hiện. Việc thu gom RTN và chủ yếu do các cơ sở thu gom phế liệu thu mua từ các hộ dân, từ những người mua đồng nát và của công nhân vệ sinh môi trường. Qua phỏng vấn trực tiếp và phiếu điều tra, trên toàn địa bàn thị trấn Cát Bà có 5 hộ thu mua phế liệu. Những người thu mua phế liệu này đều coi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Trước khi có dịch Covid-19, số lượng phế liệu thu mua 1 ngày của các hộ khoảng 700-1500 kg, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp các hoạt động du lịch tạm dừng nên số lượng phế liệu thu mua cũng giảm xuống còn khoảng 100-250 kg/hộ; trong đó RTN có khoảng 20-35 kg/hộ. Trong 5 hộ thu mua, buôn bán phế liệu, không có hộ nào tiến hành tái sử dụng RTN sau thu mua, 3 hộ đóng gói các loại rác thải, phế liệu theo cách thô sơ, thủ công và 2 hộ sử dụng máy ép phế liệu để có thể dễ dàng vận chuyển vào đất liền.

Khối lượng RTN trong hai ngày được xác định bằng phương pháp khảo sát tại các cơ sở và phỏng vấn chủ các cơ sở thu gom Nhóm nghiên cứu lấy ngẫu nhiên 10 kg RTN tại mỗi cơ sở thu gom trong 2 ngày và tiến hành phân loại. Với tổng khối lượng rác là 100kg, cho kết quả như sau, RTN chủ yếu thuộc các nhóm PET chiếm 42,8% (bao gồm chai nước giải khát, nước khoáng, chai nước trái cây, chai dầu ăn…), HDPE chiếm 28,5% (gồm chai nước giặt, nước tẩy, nước rửa bát…); PVC chiếm 17,5% (gồm ống nhựa dẫn nước, khay đựng trứng…); PP chiếm 6,9% (gồm chai nước sốt, hộp sữa chua…), PS chiếm 0,4% (gồm cốc nhựa và thìa nhựa dùng 1 lần) và các loại khác chiếm 3,9%.

Với lợi thế là một điểm du lịch nổi tiếng, Cát Bà hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nơi đây còn là một trong những ngư trường lớn nhất miền Bắc. Chính vì thế, lượng rác thải đặc biệt là RTN thải ra rất lớn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường cũng như sức khỏe con người. Từ quá trình thực địa, khảo sát nghiên cứu nhận thấy địa phương cũng rất tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch tuyên truyền về việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi nilon,…vì thế người dân đã có ý thức trong việc phân loại rác, tái sử dụng túi nilon, tham gia tích cực các hoạt động mà địa phương triển khai. Tuy nhiên, việc xử lý RTN mới chỉ dừng lại ở việc tái sử dụng lại túi nhựa nilon dùng một lần và một số chai nhựa. Hơn nữa, trên địa bàn chỉ có 5 hộ thu mua phế liệu tự phát, không có hộ nào tiến hành tái sử dụng chất thải nhựa sau thu mua. Vì vậy, trong thời gian tới địa phương cần áp dụng các phương pháp tái chế RTN tiên tiến trên thế giới cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, có các chế tài xử phạt đối với các hành động xả thải chất thải nói chung và RTN nói riêng làm ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái quần đảo Cát Bà.

Nghiên cứu đi đến kết luận, kết quả khảo sát vào tháng 12/2022, thời điểm hoạt động du lịch ở thị trấn Cát Bà đang tạm dừng, lượng RTN được các cơ sở thu mua ước tính khoảng 142,5 kg/ngày. Lượng RTN này đươc thu mua từ các hộ gia đình, kinh doanh và các ngư dân với thành phần nhựa chủ yếu là PET, HDPE, PVC, PP, PS. Người dân tại thị trấn Cát Bà đã có những nhận thức nhất định trong việc hạn chế sử dụng, phân loại và tái chế rác thải nhựa.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, một lượng lớn RTN tại khu vực nghiên cứu không được các cơ sở thu mua đang được xử lý chung với chất thải rắn hỗn hợp. Cát Bà đang trên đà phát triển về cả du lịch lẫn các ngành công nghiệp, cảng biển, lượng RTN tại đây phát sinh rất nhiều, do vậy tiềm năng tái chế thải nhựa tại đây khá lớn và cần thiết để đảm bảo công tác quản lý RTN và bảo vệ môi trường khu vực quần đảo Cát Bà.

 

Translate »