02866838558

Sinh viên biến vỏ tôm thành nhựa sinh học

Tận dụng vỏ tôm làm ra sản phẩm nhựa sinh học. DUY TÂN

Biến vỏ tôm thành nhựa sinh học, Nguyễn Phương Khánh, sinh viên ngành hóa học ứng dụng Trường ĐH Trà Vinh đã tạo ra sản phẩm nhựa sinh học an toàn và thân thiện môi trường.

Sinh sống ở vùng nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Trà Vinh, nhận thấy vỏ tôm trong ao thường được vứt đi hoặc đốt bỏ, dễ gây ô nhiễm môi trường, Khánh nảy sinh ý tưởng tận dụng để làm ra nhựa sinh học. “Dưới ao thường có hệ thống hút cặn nên khi tôm lột xác, vỏ tôm trở thành cặn, phế phẩm. Người nuôi thường đem đổ đống dễ gây ô nhiễm. Sau khi tìm hiểu tài liệu, em quyết tâm nghiên cứu làm ra nhựa sinh học”, Khánh cho biết.

Năm 2019, Khánh bắt đầu nghiên cứu và lập nhóm gồm 3 thành viên để phát triển sản phẩm. Đến tháng 6.2020, Khánh tạo ra sản phẩm mẫu hoàn chỉnh đem đi dự thi cuộc thi khởi nghiệp của trường.

Sau một thời gian khó khăn, chật vật tìm máy móc, nguyên liệu, nơi gia công… cuối cùng Khánh đã tạo ra sản phẩm hoàn thiện và làm ra những sản phẩm bằng nhựa sinh học như ly, đĩa, bát, đũa, muỗng. Công đoạn làm ra sản phẩm lắm phức tạp. Vỏ tôm thu gom về được xử lý loại bỏ tạp chất tôm bên ngoài, xay nhuyễn, dùng hóa chất loại bỏ tính chất trong vỏ tôm, thu được nguyên liệu thô, phối trộn với những phụ gia khác theo tỷ lệ, đem hỗn hợp cho vào máy để đùn chất lỏng, cho vào khuôn.

Khoảng 100 gr nguyên liệu gồm vỏ tôm và các chất phụ gia khác sẽ sản xuất được 10 ly nhựa. Trong sản phẩm hoàn chỉnh, vỏ tôm chiếm 65%, còn lại là các chất nhựa, bột màu, dầu hóa dẻo… nên rất an toàn và thân thiện môi trường. Theo Khánh, khâu khó nhất là phối trộn, bởi phải nghiên cứu thêm phụ gia để nguyên liệu đạt thông số mong muốn.

Sinh viên biến vỏ tôm thành nhựa sinh học - ảnh 2
Các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường do Khánh sản xuất

Ưu điểm của sản phẩm là mau phân hủy trong môi trường tự nhiên, chỉ từ 1 – 1,5 năm là phân hủy hoàn toàn; góp phần giải quyết vấn đề tồn đọng phế phẩm thủy sản, ô nhiễm môi trường; gia tăng giá trị ngành sản xuất và nuôi trồng thủy sản, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân… Đặc biệt, sản phẩm nhựa sinh học tái chế từ phế thải thủy sản khi phân hủy sẽ không tạo ra các hạt vi nhựa giống như nhựa nguyên sinh.

Sản phẩm nhựa sinh học có nguồn gốc tự nhiên nên đảm bảo an toàn sức khỏe con người, thân thiện môi trường. Sắp tới, một số sản phẩm nhựa sinh học mà dự án hướng đến như muỗng, đũa, ống hút… Đặc biệt, nhóm hướng đến các sản phẩm có giá trị cao như đế giày, đồ dùng trẻ em và thiết bị y tế.

Hiện với sản phẩm nhựa sinh học Khánh đã được nhiều người đặt hàng và mua số lượng nhiều. Sắp tới, Khánh sẽ tiếp tục phát triển và đầu tư sản xuất số lượng lớn ra thị trường. Nhờ sản phẩm thân thiện môi trường, năm 2020 ý tưởng khởi nghiệp của Khánh đoạt giải nhì cuộc thi Hult Prize khu vực Đông Nam Á.

Nguồn: https://thanhnien.vn/sinh-vien-bien-vo-tom-thanh-nhua-sinh-hoc-post1436896.html

Translate »